Kết quả sau trận đánh Trận Tannenberg

Một phần còn lại của đài tưởng niệm Trận Tannenberg sau khi bị tàn phá sau thế chiến thứ hai

Sau khi trận đánh kết thúc, Tập đoàn quân số 2 của Nga gần như hoàn toàn bị xoá sổ. Giờ đây tại Đông Phổ, quân Đức chỉ còn phải đối đầu với Tập đoàn quân số 1 Nga. Trong một loạt các trận đánh sau đó mà tiêu biểu là Trận hồ Masurian lần thứ nhất, Tập đoàn quân số 1 Nga đã bị đánh bại và phải bỏ chạy trở về Nga. Cũng kể từ đó, quân Nga đã không còn lần nào vượt qua biên giới Đức nữa cho đến tận khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Trận đánh này còn nổi tiếng với các cuộc di chuyển quân thần tốc bằng xe lửa của quân Đức đến các mục tiêu cần thiết. Mặc dù những thắng lợi của quân Nga và quân Serbia trước quân Áo-Hung cùng lúc ấy đã làm lu mờ ảnh hưởng trực tiếp của thảm họa Tannenberg, niềm tin của phe Hiệp Ước vào nước Nga bị suy sụp trầm trọng.[23] Tổn hại của quân Nga trong trận kịch chiến này gợi nhớ đến trận Cannae vào năm 216 trước Công nguyên nơi quân Carthage đại phá quân La Mã.[1]

Không chỉ là một trong những thắng lợi lớn nhất trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, đại thắng ở Tannenberg còn có thể được coi là chiến thắng vĩ đại nhất của lực lượng Quân đội Đức trong mọi thời đại. Thắng lợi vang dội này được xem là thành công của chiến lược của Bộ Chỉ huy quân Đức trong chiến tranh.[24][25] Hindenburg và Ludendorff sau trận thắng này đã trở thành những người anh hùng dân tộc của nước Đức tuy nhiên công lớn của chiến thắng này lại thuộc về Max Hoffmann, người đã vạch ra kế hoạch cho trận đánh. Người thắng trận Tannenberg - Hindenburg, dần dần trở thành biểu tượng cho sự đoàn kết dân tộc thay cho Hoàng đế (Kaiser) Wilhelm II của Đức khi ấy.[26] Ông còn trở thành người hùng của nước Áo trong chiến tranh nữa.[25] Ludendorff đã đặt tên cho trận đánh này là Tannenberg theo lời đề nghị của Hindenburg để nó mang ý nghĩa lịch sử rửa hận cho trận Tannenberg năm 1410 (hay trận Grunwald) nơi mà các Hiệp sĩ Teuton - tức Giáo binh đoàn German - bị liên quân Ba Lan - Litva đánh bại. Chiến thắng vang dội ở Tannenberg này cũng mang lại những huyền thoại về dân tộc Đức. Ở Phổ, đại thắng tại Tannenberg, cùng với trận Verdun năm 1916, đi sâu vào tâm trí nhân dân như trận đánh quen thuộc nhất của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Những huyền thoại về đại thắng này vẫn còn tồn tại cho đến khi cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, nhưng vẫn còn dư âm của chúng ngày nay. Ở Ba Lan - một đất nước không tồn tại khi trận quyết đấu tại Tannenberg diễn ra, ai ai cũng nhớ rằng trận đánh này lấy tên theo một trận đánh có kết quả khác hẳn giữa người Đức và người Slavơ xưa kia.[21]

Đó là một chiến thắng vĩ đại hơn trận Sedan bởi do tại Sedan quân Đức có lợi thế quân số rất lớn do đó họ có thể tiến đánh quân Pháp mà không phải lo ngại gì lắm. Và đây là một thắng lợi vĩ đại hơn trận thắng của người Carthage trước La Mã, do Tập đoàn quân số 2 của Nga dưới quyền Rennenkampf cận bên.
— Nhà sử học quân sự Đức Hans Delbruck, trong cuốn Delbrück's Modern Military History [1]

Tuy nhiên chiến thắng này đã không thể cứu vãn cho sự thất bại của kế hoạch Schliffen bới vì vài ngày sau đó tại mặt trận phía Tây, quân đội Đế quốc Đức đã bị liên quân Anh-Pháp đành bại trong Trận sông Marne lần thứ nhất từ ngày 5 tháng 9 đến 13 tháng 9. Một trong những nguyên nhân thất bại chính là việc một lực lượng quân Đức đã được đưa từ mặt trận phía Tây đến để tăng cường sức mạnh cho mặt trận phía Đông đã làm cho quân Đức ở mặt trận phía Tây trở nên suy yếu. Nhưng, đại thắng ở Tannenberg đã khẳng định niềm tin của nước Đức vào chiến thắng của họ trong cuộc chiến, cũng như sự tin tưởng của họ vào khả năng giành thắng lợi của hai tướng Hindenburg và Ludendorff[23].

Dù sao đi chăng nữa, đại bại ở Tannenberg đã góp phần dẫn tới những cuộc triệt binh nhục nhã của quân Nga vào Ba Lan và Litva.[27] Vào năm 1916, khi nước Đức đang thất bại trên chiến trường, Kaiser Wilhelm II đã bổ nhiệm Hindenburg làm Tổng tham mưu trưởng Quân đội Đức trong dịp lễ kỷ niệm lần thứ hai ngày đại thắng ở Tannenberg, qua đó ông gửi gắm mong muốn Hindenburg sẽ hồi phục cho nỗ lực chiến tranh của Đế chế.[28] Như "những người hùng trận Tannenberg", Hindenburg và Ludendorff đã được Hoàng đế trao cho quyền hành chính trị vào đầu năm 1917.[18] Trận Tannenberg là chủ đề chính của cuốn tiểu thuyết "August 1914" (Tháng tám 1914) của văn hào Nga Alexander Solzheisyn. Một đài tưởng niệm trận đánh đã được hoàn thành vào năm 1927 nhưng sau đó đã bị phá huỷ bởi Liên XôBa Lan sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Một số hòn đá xây dựng đài tưởng niệm này đã được dùng để xây đài tưởng niệm trận Grunwald năm 1410 và đài tưởng niệm này đến nay vẫn còn tồn tại.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận Tannenberg http://www.betterworldbooks.com/tannenberg-id-1574... http://www.firstworldwar.com/battles/tannenberg.ht... http://www.history.com/this-day-in-history/battle-... http://www.amazon.co.uk/Catastrophe-Europe-Goes-Wa... http://www.bbc.co.uk/history/worldwars/wwone/battl... http://books.google.com.vn/books?id=PxGkAwAAQBAJ&p... http://books.google.com.vn/books?id=UP2HAgAAQBAJ&p... http://books.google.com.vn/books?id=ZM03HQ7iNWEC&p... http://books.google.com.vn/books?id=fnVy4v5pZPMC&p... http://books.google.com.vn/books?id=mdIiDEPlKnYC&p...